Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Bá Thước đã giải ngân 1.627 tỷ đồng, với gần 46 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.


Trước đây, gia đình chị Phạm Thị Hạnh thuộc diện hộ nghèo ở thôn Đớn, xã Điền Hạ, huyện Bá Thước. Do thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất nên thu nhập của gia đình chị chủ yếu dựa vào 7 sào ruộng trồng lúa và hơn 2 ha rừng trồng luồng, nhưng đã bị thoái hoá.

Được sự quan tâm giúp đỡ của Hội Liên hiệp phụ nữ xã đứng ra nhận uỷ thác với Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 100 triệu đồng, chị Hạnh đã đầu tư mua Trâu sinh sản về nuôi và phục tráng diện tích trồng luồng cằn cỗi do khai thác lâu năm, trồng thêm gần 1 ha cây Keo.


Nhờ sử dụng đúng mục đích vốn vay, hàng năm gia đình chị Phạm Thị Hạnh duy trì nuôi từ 5 đến 8 con Trâu; cây Luồng, cây Keo đều sinh trưởng, phát triển tốt; do vậy cuộc sống của gia đình chị Hạnh từng bước được nâng lên.

Chị Phạm Thị Hạnh, thôn Đớn, xã Điền Hạ, huyện Bá Thước phấn khởi chia sẻ: “Được sự quan tâm tạo điều kiện của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho gia đình tôi vay vốn 100 triệu đồng, tôi đã đầu tư chăn nuôi Trâu, trồng cây Luồng, cây Keo. Đến nay, gia đình tôi có thu nhập ổn định, mỗi năm trừ chi phí, thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Gia đình tôi đã thoát nghèo vào năm 2022”.

Xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong 10 năm qua, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chương trình tín dụng đến hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.

Đồng thời, tạo mọi điều kiện cho Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức tốt các hoạt động chuyên môn tại Điểm giao dịch thị trấn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các tồn đọng trong công tác tín dụng chính sách.

Chỉ đạo phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhằm giúp người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.

Đồng chí Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước cho biết thêm: “Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn Thị trấn đã triển khai cho vay 1.713 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với số tiền 48,4 tỷ đồng. Đến thời điểm 30/4/2024 thị trấn đang triển khai cho vay 10 chương trình tín dụng chính sách, với dư nợ trên 34 tỷ đồng, 600 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 676 hộ thoát nghèo bền vững”.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40- CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, đồng chí Bùi Thị Hoa, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Bá Thước cho biết: “Những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Bá Thước đã quán triệt, triển khai đến các cấp ủy Đảng, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các phòng ban chuyên môn, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Huyện ủy; đồng thời giao UBND huyện tham mưu cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, sát với tình hình thực tế của địa phương; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Trung ương Đảng ở các cấp uỷ Đảng nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Trong 10 năm qua. nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương được bổ sung thêm, chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn để đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh. Theo đó, hàng năm ngân sách huyện ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện từ 500 đến 600 triệu đồng; đến năm 2024 nguồn vốn ủy thác từ Ngân sách huyện đạt 4.753 triệu đồng. Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện uỷ cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ở các cấp uỷ Đảng trong huyện”.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền huyện và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hoá, 10 năm qua, Phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Bá Thước đã đưa đồng vốn đến với người nghèo và các đối tượng chính sách một cách công khai, dân chủ, kịp thời.

Cùng với đó, lồng ghép công tác khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng khoa học vào sản xuất và hướng hộ vay biết cách đầu tư vốn, tổ chức sản xuất - kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và hộ gia đình. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, hàng nghìn lượt hộ nghèo trong huyện đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương mình.

Kết quả, từ năm 2014 đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bá Thước đã thực hiện giải ngân hơn 1.627 tỷ đồng, với gần 46 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.

Tổng dư nợ cho vay 19 chương trình tín dụng chính sách trên 704 tỷ đồng, với 11.337 khách hàng đang dư nợ; nợ quá hạn 500 triệu đồng, nợ khoanh 187 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,1% tổng dư nợ các chương trình tín dụng.

Tín dụng Chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Hiện nay, toàn huyện Bá Thước có 4.692 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 17,58%; 5.823 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 21,82%.

“Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng và hoạt động điểm giao dịch tại các xã, thị trấn; các Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Tăng cường tổ chức tập huấn, phổ biến quy trình nghiệp vụ theo các quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội. Hằng năm, bổ sung nguồn vốn cho vay và phối hợp với các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách đảm bảo hiệu quả, an toàn, công khai, minh bạch. Tranh thủ tối đa nguồn vốn Trung ương để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Phối hợp với các Hội đoàn thể các cấp, chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đối với các hộ vay vốn để đảm bảo phát huy hiệu quả vốn vay, hạn chế rủi ro trong sản xuất kinh doanh, giảm rủi ro tín dụng”- Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bá Thước Trịnh Anh Tuấn cho biết.

Với những nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Tin rằng, thời gian tới, nguồn vốn tín dụng chính sách sẽ tiếp tục được đầu tư đúng đối tượng, kịp thời, công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận với vốn tín dụng một cách kịp thời và thuận lợi.

Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách sẽ góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn miền núi, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, đầu tư phát triển sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo ở huyện miền núi cao Bá Thước.
Bài và ảnh: Văn An