Nhằm tiếp tục triển khai và thực hiện quan điểm văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; phát triển văn hoá, thể dục thể thao, bảo tồn phát huy giá trị di tích một cách bền vừng, có kế hoạch, có mục tiêu là điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị góp phần đưa Bá Thước thoát nghèo bền vững. Mới đây, UBND huyện ban hành Kế hoạch tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; phục dựng các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian và từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa, giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Kế hoạch, huyện sẽ xây dựng, bảo vệ, quản lý, tôn tạo 9 di tích lịch sử, danh thắng đã được xếp hạng cấp tỉnh, gồm: Đền thờ Quận công Hà Công Thái (xã Điền Trung); di tích hang Cổ sinh (phố Tráng, thị trấn Cành Nàng); di tích lịch sử Đồn, Sân Bay Cổ Lũng (xã Cổ Lũng); di tích khảo cổ học Mái Đá Điều (xã Hạ Trung); hang Nước, hang Bụt (xã Điền Hạ); hang Tống Duy Tân (xã Thiết Ống); danh lam thắng cảnh Thác Hiêu (xã Cổ Lũng), thác Muốn (xã Điền Quang); hang Cá Thần (xã Văn Nho).
Xây dựng và đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh: Đền thờ Tư Mã Hai Đào (xã Điền Quang); địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử Trận đánh Bù Mộng (tại Thung Trấn, xã Điền Thượng) của nghĩa quân Lam Sơn với quân Minh; hang Dơi (xã Thành Sơn). Xây dựng và đề nghị công nhận di tích cấp Quốc gia đối với Di chỉ khảo cổ học Mái Đá Điều (xã Hạ Trung); hang Cổ sinh (phố Tráng, thị trấn Cành Nàng); đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Mường Khô.


Bảo tồn các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian, như: Trang phục các dân tộc váy, áo, mũ, khăn, đồ trang sức….; thành lập các đội văn nghệ, sưu tầm, dàn dựng, phát triển các làn điệu dân ca, dân vũ như: khặp Thái, xường Mường, Pồn Pôông… Múa xòe, múa sạp; Khua luống; múa khèn, sáo ôi… Truyền kể, thơ ca dân gian như “Sử thi Đẻ đất, Đẻ nước”, “Trường ca Khăm Panh”… của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bảo tồn, phục dựng lễ hội, nghi lễ đặc sắc và trò chơi dân gian, như: Lễ hội Mường Khô (dân tộc Mường); lễ hội Căm Mương (dân tộc Thái); các trò chơi, trò diễn dân gian như: Kéo co; Đẩy gậy; Đánh mắng; Ném còn; Chơi đu, Chọi gà …; phục dựng Nhà phủ và lễ hội Mường Khoòng (dân tộc Thái). Sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các loại dụng cụ lao động sản xuất và các ngành nghề thủ công truyền thống; đồ dùng sinh hoạt, văn hóa ẩm thực, cách thức, bí quyết chế biến thực phẩm của các dân tộc.




Bảo vệ, quản lý, chỉnh trang, tôn tạo một số cảnh quan môi trường địa lý tự nhiên, di tích phục vụ nhu cầu tâm linh và thăm quan thưởng thức của Nhân dân tại địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước như: Quy hoạch xây dựng Phủ Mường Khoòng, Mộ Nàng Mứn (xã Cổ Lũng), Mộ Nàng Ờm (núi Làn Ai xã Ái Thượng), làng nghề dệt thổ cẩm Lặn Ngoài (xã Lũng Niêm); Chùa Giổi, Đền Giổi; huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng nhà truyền thống của huyện. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ quản lý di tích, văn hóa phi vật thể; kỹ năng tổ chức hoạt động nhà văn hóa thôn bản, cán bộ chuyên trách công tác văn hóa, xã hội của các xã, thị trấn. Bảo tồn chữ viết của dân tộc Thái.Tuyên truyền, quảng bá vốn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Xây dựng, sửa chữa, tôn tạo và hoàn thiện đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, gồm: Xây dựng mới 55 Nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản, khu phố; có 26 Nhà văn hóa - khu thể thao thôn được bổ sung cơ sở vật chất văn hóa; xây dựng mới 2 Trung tâm Văn hóa, thể thao xã, thị trấn; có 6 Trung tâm văn hóa, thể thao xã được đầu tư cơ sở vật chất để hoàn thiện tiêu chí văn hóa cho các xã về đích nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025.
Văn An