Phiên họp thường kỳ Ban đại diện Ngân hàng CSXH huyện Bá Thước Quý 4 năm 2023
Sáng 17/1/2024, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bá Thước tổ chức Phiên họp thường kỳ quý 4 năm 2023. Đồng chí Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội huyện chủ trì.

Theo báo cáo nêu tại phiên họp cho thấy, đến hết quý 4 năm 2023, tổng nguồn vốn tín dụng đạt hơn 636,5 tỷ đồng, tăng gần 90 tỷ so với đầu năm, đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân hơn 182 tỷ đồng, tăng hơn 9 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 28,61% tổng nguồn vốn, đạt 100% kế hoạch tỉnh giao. Vốn nhận ủy thác địa phương hơn 9,5 tỷ đồng, tăng hơn 1,5 tỷ đồng.

Trong hoạt động tín dụng, doanh số cho vay quý 4 gần 39 tỷ đồng, lũy kế năm 2023 gần 240 tỉ đồng. Doanh số thu nợ hơn 30 tỷ đồng. Tổng dư nợ hơn 636,5 tỷ đồng, tăng gần 90 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó dư nợ cho vay trực tiếp gần 7,8 tỉ đồng, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội gần 629 tỉ đồng. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh hơn 612 triệu đồng, giảm 112 triệu so với đầu năm.


Trong qúi 4 năm 2023 nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 745 hộ được vay vốn với tổng số tiền gần 39 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2023 có 10.844 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn, dư nợ bình quân mỗi hộ 58,7 triệu đồng. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Bá Thước.

Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội huyện yêu cầu: Ban đại diện Ngân hàng CSXH huyện phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, không để hộ dân sử dụng vốn vay sai mục đích; đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát tại thôn; chủ động nắm bắt thông tin xử lý các trường hợp bị rủi ro; đôn đốc thu hồi nợ trước hạn đối với những hộ vay đi khỏi nơi cư trú, thu hồi nguồn vốn vay sử dụng không đúng mục đích; xử lý tốt vấn đề nợ xấu, nợ quá hạn, nợ khó đòi. Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, thực hiện giải ngân, tạo điều kiện cho người nghèo và đối tượng chính sách xã hội được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế, chủ động khắc phục hạn chế, tồn tại để hoạt động tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện./.
Sĩ Thịnh