Lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho công chức, viên chức, cán bộ thôn, bản, thuộc nhóm đối tượng 3 và 4

Sáng 6/9, UBND huyện Bá Thước phối hợp với Học viện Dân tộc tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 162 học viên là cán bộ công chức, viên chức, bí thư chi bộ, trưởng thôn, phố thuộc nhóm đối tượng 3 và 4. Lớp bồi dưỡng nằm trong khuôn khổ thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 5, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến dự có đồng chí Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện; Tiến sỹ Trịnh Quang Cảnh, Giảng viên cao cấp, nguyên Phó Giám đốc Học viện Dân tộc.

Toàn cảnh Lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc

Đồng chí Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện khai mạc lớp bồi dưỡng

Phát biểu khai mạc, đồng chí Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh sự cần thiết của lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 5, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vì vậy, đồng chí yêu cầu: Các học viên tham gia Lớp cần chấp hành đầy đủ thời gian và học tập nghiêm túc đúng theo quy định của chương trình, tích cực tham gia thảo luận làm sáng tỏ những nội dung còn vướng mắc; viết bài thu hoạch có chất lượng và bảo đảm được cấp chứng chỉ đã tham gia khóa học.

Giảng viên Học viện Dân tộc Việt Nam truyền đạt các nội dung tại lớp bồi dưỡng

Trong thời gian 3 ngày, các học viên được nghiên cứu 6 chuyên đề do các giảng viên Học viện Dân tộc Việt Nam trực tiếp truyền đạt gồm: Tổng quan về công tác dân tộc ở Việt Nam. Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc. Pháp luật và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số vững mạnh. Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa dân tộc thiểu số. Công tác quốc phòng, an ninh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Qua lớp bồi dưỡng giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc, bí thư và trưởng các thôn, bản, nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa DTTS, chính sách dân tộc; nắm bắt phong tục tập quán từng dân tộc, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng; công tác tuyên truyền và thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn vùng DTTS và miền núi. Từ đó làm tốt công tác phối hợp, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với công tác dân tộc góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng, an toàn xã hội tại cơ sở vùng DTTS. Đồng thời, vận dụng vào thực tiễn quá trình công tác, góp phần thực hiện tốt các nội dung của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn huyện./.

Sĩ Thịnh