Truyền thống văn hóa của Bá Thước

Nguồn gốc tộc người và vị trí địa lý đã tạo ra bản sắc văn hóa đặc sắc của quê hương Bá Thước. Bá Thước là nơi sinh sống của ba dân tộc: Thái, Mường, Kinh, trong đó Thái, Mường là chủ yếu. Hai tộc người này thuộc hai ngữ hệ khác nhau, nhưng do điều kiện môi trường sinh sống, làm ăn có nhiều điểm giống nhau và mối quan hệ khăng khít bền chặt hai dân tộc đã diễm ra sự giao thoa, hòa nhập văn hóa nên trong văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của hai tộc người có khá nhiều điểm giống nhau.

Về tôn giáo, tín ngưỡng và các phong tục tập quán: Trước thế kỷ XX, người Mường và người Thái Bá Thước không theo tôn giáo nào cả. Đến đầu thế kỷ XX mới có mới có một vài điểm tuyên truyền, gây dựng cơ sở của đạo Thiên Chúa, nhưng chưa có nhà thờ, chưa ảnh hưởng đáng kể đến đời sống tinh thần của đồng bào. Đạo Phật cũng chưa thành hình rõ nét. Những nơi gọi là chùa như: chùa Mèo (mường Khô), chùa Cha (mường Khôông), thực chất chỉ là đền thờ, miếu thờ các nhân vật huyền thoại và nhân vật lịch sử. Nhìn chung, người dân Bá Thước cơ bản vẫn bảo tồn được những tập quán tín ngưỡng của người Việt Cổ: thờ tổ tiên, thờ nhân thần và Thành hoàng làng thờ đa thần (thờ cây, thờ đá...) và thờ vật kỵ (tô tem). Quan niệm về con người có linh hồn đã chi phối các hình thức sinh hoạt tinh thần, trở thành phong tục tập quán trong ma chay, cưới xin, cúng, vía. Người Thái ở Bá Thước có tục cầu mưa, tục này xuất phát từ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa để có mùa màng bội thu; cầu mong sự giao hòa giữa trời đất để sự sống của con người, vạn vật được sinh sôi nảy nở. Vì vậy, tục này trở thành tín ngưỡng gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân lao động.

Về văn học nghệ thuật: Những cảm hứng trogn lao động sản xuất, đấu trang với thiên nhiên, những yêu cầu giao tiếp xã hội và những tín ngưỡng đã sản sinh ra các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ phong phú và hấp dẫn.

Từ rất lâu đời, trong đời sống văn hóa của các dân tộc ở Bá Thước đã hình thành kho tàng văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng, đó là truyện cổ tích, truyện kể, ca dao, tục ngữ, thơ ca và khặp. Những truyện thần thoại kể về người khổng lồ thủa khai thiên lập địa như: Ải Pu Té, Lung Quan Khà và ông Đùng. Các truyện cổ tích thường gắn với việc giải thích các hiện tượng tự nhiên trong vùng, điển hình như truyện: “Nàng ru võng” ở xã Văn Nho, “núi Đèn”, “cây đèn bà chúa”, “Ngai đá vui Xăm, chúa Xèo” ở Điền Hạ, “Nàng Chiếm Rôi” ở Cành Nàng, truyện “Viên ngọc ước” và “Thánh Tản Viên” ở vụng Chiếng và một số chuyện về mối quan hệ giữa các cô gái đẹp và người dười thủy cung như: “Nàng Ú Nghia”, “Nong Ấm”, Băng Panh, Mó Don, Mo Đòn ... Truyện cười dân gian người Mường Bá Thước cũng rất phong phú và đa dạng, hiện nay nhiều câu chuyện vẫn được nhân dân truyền kể trong đời sống hàng ngày  như người Thái mường Khoòng” nổi tiếng về kể truyện tiếu lâm nên được mệnh danh “nói trạng mường Lau, mường Khoòng”. Giai thoại văn hoạc, thể hiện sự đối đáp thông minh, có câu chuyện đối đáp với nàng Mường vạt, nay còn lại dấu tích ở tảng đá nàng Non xã Thành Sơn; chuyện về xây dựng, bảo vệ bản mường, nơi nào cùng có và thường gắn với sự tích thành Hoàng làng mường, các mẩu chuyện dã sử về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; chuyện về Quan Dô ộc nuôi giấu hoàng tử Lê Huy Ninh, lớn lên ra làm vua gọi là vua Chù Chốm (chúa Chổm), hé mở những phát hiện mới về lịch sử. Đặc biệt, Bá Thước là quê hương của hai truyện thơ nổi tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam, đó là “Truyện Nàng Ờm và chàng Bồng Hương” của dân tộc Mường, mà dấu tích để lại là hình ảnh cây hoa bông trắng trên vách núi Làn Ai; truyện thơ “Khăm Panh” của người Thái, mường Khoòng, dấu tích là mộ nàng Mứn là nhân vật chính tại bản Eo Điếu, xã cổ Lũng.

Người Thái, người Mường có lối diễn đạt bằng lời nói có vần, từ ngữ giàu hình ảnh, cho nên thể loại văn vần rất phát triển. Thơ ca được sử dụng trong lời hát, lồng vào lời nói giao tiếp hoặc sắp xếp thành bài để răn dạy con cháu như các bài luân lý. Hát dân ca, người Mường gọi là “xường”, người Thái gọi là “khặp”. Loại hình này tồn tại khá phổ biến trong đời sống văn hóa của hai dân tộc, phản ánh sâu sắc, đầy đủ mọi cung bậc tình cảm trong cuộc sống thường nhật.

Trong các dịp vui chơi, ca hát, lễ hội như: đám cưới, hội mường, thờ thần, kin chiêng, phấn chá, bản làng thường phối hợp các hình thức thể hiện: ca, múa, nhạc. Loại hình âm nhạc sôi động được ưa chuộng nhất là trống chiêng, khua luống, gõ ống. Điệu múa phổ biến sử dụng trong trò diễn Kin Chiêng Boọc Mạy - Pôồn Pôông là điệu múa khăn, đến đỉnh điểm hưng phấn có thể chuyển sang điệu nhảy phẩn chá. Múa kin chiêng, phấn chá là hình thức vui chơi tập thể sôi nổi và gắn bó mọi người, tạo sự liên kết cộng đồng bền chặt. Cũng tại các lễ hội, nhiều cặp trai gái đã nên vợ nên chồng, các mối quan hệ trong xã hội trở nên gần gũi thân thiết hơn. Các mường đều có lễ hội thu hút đông đảo dân chúng trong cộng đồng tham gia, trong đó có lễ hội chùa Mèo ở mường Khô, lễ hội xa tôông (xuống đồng) ở mường Chuổi, ở làng Cỏi mường Ống, lễ hội Căm Mương ở mường Ký lễ hội Nhà Phủ ở mường Khoòng... Đây là nét đẹp văn hóa độc đáo đang được dân tộc Thái giữ gìn và phát huy.

Về chữ viết: Người Thái Bá Thước có chữ viết từ lâu đời và phát triển khá phong phú. Chữ viết của người Thái có đầy đủ các yếu tố để giao tiếp, sáng tác thơ văn, làm văn bản hành chính và dịch từ tiếng dân tộc khác sang tiếng Thái. Văn bản ghi ngày tháng được lưu giữ tại bản Kén, (xã Thành Sơn), là biên bản ông Phạm Bá Tiến, người mường Ánh tặng đất, giao cho Quan Dôộc, bô nuôi vua Chù Chôm (Chúa Chôm) (đề ngày mồng năm tháng tư). Trong các mường của người Thái (mường Lau, mường Khoòng, mường Ký), chữ Thái được sử dụng rộng rãi để ghi chép văn bản hành chính, văn tự, khế ước vay mượn, sáng tác thơ văn, ghi chép các bài mo, bài cúng, các bài thuốc nam, cách chế thuốc súng, ghi chép về lịch sử, địa lý của bản mường... Điều này chứng minh văn hóa của người Thái ở Bá Thước rất phát triển và con người luôn đề cao giá trị của chữ viết, luôn có ý thức giữ gìn và trao truyền cho các thế hệ sau kho tàng văn hóa giá trị này.

Về ăn mặc và ở: Truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Bá Thước còn được thể hiện ở cách ăn, mặc, ở. Trong những dịp lễ hội, nhìn những kiểu áo, váy sặc sỡ sắc màu và những đồ trang sức đẹp mắt, chúng ta dễ nhận thấy sự khác biệt giữa các cô gái, chàng trai người Thái, người Mường và người Kinh. Món ăn truyền thống của người Thái và người Mường ở vùng đât này là món xôi. Do địa bàn cư trú, không gian sống gắn với núi rừng nên đồng bào thường sử dụng tre, gỗ trong việc chế tác công cụ nấu nướng như: ống nứa, ống tre để làm cơm lam, lam cá, lam thịt... Với cách chế biến cầu kỳ, đẹp mắt, biết kết hợp các loại gia vị đặc trưng của vùng miền, Nhân dân các dân tộc ở Bá Thước đã sáng tạo ra các món ăn có hương vị đậm đà, mang màu sắc của núi rừng miền tây xứ Thanh, đó là món: canh đắng, trứng kiến, bánh sờn, bánh khổ, thịt chua, cá nướng, nhái nấu măng, vịt Cổ Lũng... Nhà sàn là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Thái và người Mường Bá Thước. Kết cấu ngôi nhà mang ý nghĩa tâm linh và nhân văn sâu sắc.

Như vậy, từ các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tôn giáo tín ngưỡng, đã thể hiện sự đa dạng, phong phú trong đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc ở Bá Thước. Qua đó, đề cao tính nhân văn cũng như tinh thần lạc quan yêu đời, tạo ra sức mạnh để giúp đồng bào vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.