Lễ Kỷ niệm 90 năm thành lập Châu Tân Hoá, nay là huyện Bá Thước

Sáng 3/8, huyện Bá Thước long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 90 năm thành lập Châu Tân Hoá, nay là huyện Bá Thước (ngày 3/8/1928 – 3/8/2018). Dự buổi lễ, có đồng chí Lê Anh Tuấn, Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đinh Tiên Phong, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá; đại diện các sở, ban ngành của tỉnh; các đồng chí lãnh đạo các huyện: Mường Lát, Quan Hoá, Quan Sơn, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thuỷ, Thạch Thành, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh và Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn ( tỉnh Hoà Bình). Về phía huyện có đồng chí Trương Văn Lịch – Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Bùi Văn Lưỡng – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, đồng chí Nguyễn Văn Dũng – PBT Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện; cùng các đồng chí trong BTV Huyện uỷ, TT HĐND, UBND, UBMTTQ huyện; lãnh đạo các phòng, ban ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện; các đồng chí nguyên là lãnh đạo qua các thời kỳ, Bà mẹ VNAH, AHLLVT; và lãnh đạo chủ chốt các xã, thị trấn.

Trong diễn văn Kỷ niệm 90 năm thành lập huyện, Đồng chí Trương Văn Lịch – Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND nêu lên chặng đường 90 năm hình thành và phát triển, những khó khăn và thành tích nổi bật của huyện trong công cuộc đổi mới. Là một huyện miền núi, Bá Thước có 3 dân tộc anh em Thái, Mường, Kinh cùng nhau sinh sống, là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và được biết đến với truyền thuyết  sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường, “Khăm Panh”  của người Thái và được coi như vùng đất cổ với sự tích “Cây chu đá, lá chu đồng, bông thau quả thiếc”; di tích mái Đá Điều ở xã Hạ Trung và nhiều di chỉ thời kỳ, Sơn vi, Hòa Bình là minh chứng nơi sinh sống lâu đời của đồng bào người Mường, người Thái.  Năm Thành Thái thứ 15 triều Nguyễn, vùng đất Bá Thước cơ bản thuộc châu Quan Hóa.  Do diện tích rộng, địa hình của châu Quan Hóa có nhiều hệ thống sông, suối, núi cao hiểm trở đi lại khó khăn, thành phần dân tộc đa dạng;  để việc quản lý, điều hành thuận lợi hơn ngày 3/8/1928, triều đình nhà Nguyễn chấp thuận thành lập châu Tân Hóa. Châu lỵ Tân Hóa lúc bấy giờ đóng ở La Hán (nay thuộc xã Ban Công), có 4 tổng, 30 xã, 221 chòm bản. Tháng 11/1945, Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đổi châu Tân Hóa thành châu Bá Thước. Đến tháng 4/1946, châu Bá Thước được thay đổi từ châu sang huyện Bá Thước. Đến nay, huyện Bá Thước có diện tích tự nhiên trên 77.250 ha, với 23 xã, thị trấn, 225 thôn, bản, khu phố và trên 104 nghìn dân. Ngày 19/8/1949  Chi bộ đầu tiên ở huyện Bá Thước được thành lập, đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng của địa phương, từ đây, nhân dân các dân tộc trong huyện có Đảng lãnh đạo, soi đường vững bước trên con đường cách mạng bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

          Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống  Mỹ, quân và dân huyện Bá Thước đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nên những kỳ tích trong chiến đấu và lao động sản xuất. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân trong huyện  đã nỗ lực phấn đấu thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ huyện Bá Thước, nhân dân các dân tộc trong huyện đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nêu cao tinh thần cách mạng, không ngừng hăng say lao động sản xuất, từng bước tháo gỡ những khó khăn, tranh thủ thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, phấn đấu giành được nhiều thành quả quan trọng trên lĩnh vực kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Từ một huyện xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay huyện Bá Thước đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Trên lĩnh vực kinh tế, tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng; một số ngành, lĩnh vực đạt cao so với chỉ tiêu kế hoạch; giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng 15,6%; giá trị xuất khẩu hàng năm đạt 1,52 triệu USD; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 19,2 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18,73%.  tổng huy động vốn cho đầu tư phát triển năm 2017 đạt 1.015 tỷ đồng, vượt 1,5% kế hoạch. Nhiều công trình phúc lợi, thiết chế văn hoá được đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng. Các hoạt động văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên. Quốc phòng - An ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội đảm bảo...Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM được quan tâm chỉ đạo, đến nay, toàn huyện có 2 xã và 39 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.  Một trong những điểm nhấn trong phát triển kinh tế, đã phát huy tiềm năng, thế mạnh từng bước khai thác hình thành du lịch với các điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng, Điền Quang… đang mở ra một hướng đi mới cho phát triển du lịch trên địa bàn huyện, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên; đến nay toàn huyện có 49 Chi, Đảng bộ trực thuộc Huyện ủy, 363 chi bộ cơ sở, hơn 6.100 đảng viên; không có thôn, bản trắng chi bộ và chi bộ sinh hoạt ghép. Công tác quản lý, điều hành của chính quyền được đổi mới; công tác tổ chức, cán bộ được huyện đặc biệt quan tâm từ khâu đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đến bổ nhiệm, đảm bảo chặt chẽ đúng quy định; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được chú trọng; công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng được triển khai nghiêm túc, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng. UBMTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội luôn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở, tuyên truyền, động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Với  những cống hiến, hy sinh và những cố gắng nỗ lực không ngừng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bá Thước đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì. 

  Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 90 năm thành lập huyện Bá Thước, đồng chí Lê Anh Tuấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt các đồng chí lãnh đạo Tỉnh chúc mừng những thành tựu quan trọng đạt được trong những năm qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bá Thước. Đồng thời đề nghị: Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bá Thước cần tập trung nâng cao tốc độ, chất lượng tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ - du lịch, đặc biệt là phát triển chăn nuôi đại gia súc; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất; tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá – xã hội; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội; coi trọng đảm bảo an ninh cơ sở, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; đẩy mạnh thu hút đầu tư; tiếp tục tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính và thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

          Nhân dịp này, đồng chí Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch trao bức trướng của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Tỉnh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bá Thước với nội dung “Đoàn kết, sáng tạo, phát huy tiềm năng, thế mạnh, quyết tâm đưa huyện Bá Thước sớm ra khỏi huyện nghèo, trở thành huyện khá của tỉnh ”./.

Văn An, (Đài Truyền thanh Bá Thước)