Bản Kho Mường phát triển du lịch cộng đồng

Xác định phát triển du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch đem lại nguồn thu nhập cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; trong những năm qua, xã Thành Sơn (huyện Bá Thước)đã và đang tập trung xây dựng bản Kho Mường trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; nhờ đó, diện mạo nông thôn miền núi đã có nhiều đổi thay khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy.

           Bản Kho Mường (thuộc xã vùng cao Thành Sơn, huyện Bá Thước) nằm ở thung lũng sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông mang vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ với những thửa ruộng bậc thang, những ngôi nhà sàn người Thái nằm ven sườn núi, có hang Dơi với nhiều nhũ đá lấp lánh huyền ảo. Nhờ cảnh quan thiên nhiên ban tặng, người dân trong bản Kho Mường đã biết đầu tư xây dựng những ngôi nhà sàn để đón khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, dã ngoại và trải nghiệm, tìm hiểu nét văn hóa, phong tục tập quán của người dân tộc Thái.

Bản Kho Mường (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước) có 60 hộ dân 223 nhân khẩu, đồng bào sinh sống chủ yếu là người dân tộc Thái. Năm 2000, trong bản có 3 hộ dân được Ban quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông hỗ trợ làm nhà du lịch sinh thái cộng đồng Homestay bước đầu đem lại hiệu quả, đến nay trong bản đã xây dựng 13 hộ cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng, không chỉ giúp cho các hộ tăng thu nhập, bảo tồn những nét đẹp đặc trưng của dân tộc Thái mà còn giúp cho người dân nơi đây thay đổi tư duy về làm du lịch.

            Là một trong những hộ đầu tiên tham gia làm du lịch, đến nay được 17 năm, nhờ đó, gia đình ông Lò Văn Nam ở bản Kho Mường (xã Thành Sơn, Bá Thước) đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Ông Nam cho biết: “Mỗi năm gia đình tôi đón tiếp khoảng 300 lượt khách, chủ yếu là khách nước ngoài, với giá 280.000 đồng/người/ngày, đêm, gia đình tôi thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm.”.

            Cũng như gia đình ông Nam, hộ gia đình ông Hà Đình Nếch ở bản Kho Mường (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước) được chính quyền địa phương giúp đỡ xây dựng thành công mô hình du lịch Homestay, mỗi năm gia đình ông đón hơn 500 lượt khách du lịch trong nước và nước ngoài đến tham quan, lưu trú nghỉ dưỡng. Du khách đến ăn nghỉ tại nhà ông không chỉ trực tiếp tham gia các hoạt động cộng đồng của bản mà còn tham gia lao động sản xuất cùng gia đình, đây cũng là dịp gia đình ông giới thiệu với du khách những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ông Nếch cho biết:“ Để du khách đến ăn nghỉ tại nhà thêm gần gũi và thân thiện, các thành viên trong gia đình tôi phân công nhau đưa du khách đến tham quan các điểm hang Dơi, cánh đồng lúa, tắm suối, một số điểm du lịch sinh thái Pù Luông; bên cạnh đó, gia đình tôi giới thiệu các món ăn truyền thống của dân tộc Thái như cơm lam, cơm đồ, thịt lợn cỏ nướng, cá dốc đồ, gà, vịt bản địa…”

            Việc phát triển loại hình du lịch Homestay ở bản Kho Mường (Thành Sơn, Bá Thước) đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và phong tục tập quán của đồng bào Thái, nâng cao thu nhập xóa đói, giảm nghèo. Nếu như năm 2015 thu nhập bình quân đầu người của bản đạt 11 triệu đồng/người/năm thì nay nâng lên 15 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 48%, nay giảm còn 20%.

Để phát triển đa dạng loại hình dịch vụ du lịch cộng đồng Homestay ở bản Kho Mường, trở thành điểm đến hấp dẫn của khách lữ hành và các Tour du lịch trong và ngoài nước, đồng chí Lê Văn Hoài – Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, huyện Bá Thước khẳng định: “Trước đây cuộc sống của bà con bản Kho Mường chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp. Thế nhưng, kể từ khi người dân tích cực đảng ký tham gia phát triển du lịch cộng đồng thì bà con đã thay đổi tư duy đưa các loại cây, con giống bản địa có giá trị kinh tế vào sản xuất nhằm phục vụ  khách du lịch, tăng thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, môi trường, cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ, bản sắc văn hóa dân tộc Thái được giữ gìn và phát huy. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ đăng ký phát triển loại hình hình du lịch này; đồng thời tạo điều kiện cho các hộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số điểm du lịch cộng đồng hiệu quả ở trong và tỉnh,  tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng du lịch”.

Có thể thấy, Kho mường (xã Thành Sơn) có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Thông qua loại hình du lịch này đã tạo điều kiện cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy về làm du lịch để nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ở huyện miền núi Bá Thước.

 

Văn An, Đài TT -TH Bá Thước