Điểm du lịch bản Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước

Đăng ngày 23 - 09 - 2019
100%

Ấn tượng khi du khách đến thăm quan du lịch tại bản Hiêu là thác Hiêu - Danh lam thắng cảnh thác Hiêu được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 15/01/2016, thác thuộc địa phận bản Hiêu, xã Cổ Lũng nằm trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, điểm đến yêu thích của dân phượt và các du khách trong và ngoài nước ưa du lịch khám phá.

Dòng nước từ thác Hiêu chảy ra có nhiều chất đá vôi, tạo nên dòng nước đặc biệt trong xanh, nhưng cũng tạo nên những đông kết giữa nền và đôi bên bờ suối, khi trời mưa to, dòng nước trắng xóa bột đá vôi, chính đặc tính lạ này đã khiến những cây cối, đồ vật gặp trong dòng chảy đều bị hóa đá. Nơi khởi nguồn của dòng suối Hiêu là từ một hang đá thuộc dãy núi đá hùng vĩ của khu sinh cảnh đá vôi Pù Luôngquanh năm không bao giờ cạn, mùa mưa lũ, thác gầm réo, nước từ màu xanh đổi thành màu trắng đục. Những ngày không bão tố, dòng suối hiền hòa, mặt nước trong xanh. Nơi nhẹ nhàng róc rách, nơi nước trút ầm ầm vô cùng thi vị. Chiều dài dòng thác khoảng 800m. Nếu nhìn từ đỉnh, dòng nước chảy đến lưng chừng núi thì tách ra thành 2 nhánh, đổ về 2 hướng khác nhau và hợp lại ở cuối dòng. Ngay phía ngoài chân thác còn có một "hồ bơi" tự nhiên. Sau một hồi lội thác trở về, du khách nên ra đây tắm dòng nước mát. Mực nước ở đây chỉ hơn 1m, phía dưới là cát tạo nên hồ nước trong xanh và mát tạo cảm giác thật sảng khoái cho du khách khi được đắm mình nơi đây.

Bản Hiêu có 43 hộ dân, 170 khẩu, trong đó có15 hộ làm du lịch cộng đồng, bản không chỉ có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng, cảnh quan đẹp, trù phú  mà còn có nhiều tài nguyên du lịch nhân văn đậm đà làng sắc văn hóa của các dân tộc Thái đa dạng, đặc sắc, tạo nên bức tranh đa sắc về đời sống văn hoá, xã hội. Từ văn hoá nhà, đến văn hoá mặc, văn hoá ẩm thực, đến văn hóa trong tập tục sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội... đều toát lên những nét làng sắc văn hoá độc đáo, riêng có. Bản Hiêu đang hình thành như một điểm du lịch với hệ thống nhà sàn truyền thống thoáng mát, sạch sẽ, ngăn nắp; các banggalow ấm cúng tiện lợi cho du khách nghỉ dưỡng. Nằm trên nhà sàn với vài chiếc gối tựa, du khách ngắm cảnh núi rừng, tận hưởng những giờ phút thư thái tuyệt vời.

          Với những món ăn phong phú, đa dạng, được chế biến công phu từ những nguyên liệu gần gũi có sẵn từ núi rừng tại địa phương.Tùy từng thời điểm, từng mùa trong năm mà có các món ăn khác nhau. Các món ẩm thực mà nguời Thái hay chế biến như: Cá nướng, cơm lam, thịt lợn hấp, gà nướng, ốc đá, xôi tím... Món ăn thông dụng và ưa thích nhất là xôi nếp nương, hạt to, trong và thơm... Đặc biệt, nơi đây nổi tiếng với các món ăn được chế biến từ vịt Cổ Lũng - giống vịt đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, nhiều người biết đến và là niềm tự hào của địa phương. Giống vịt cổ ngắn, chân thấp, được thả ở suối, ở đồng nên thịt chắc và thơm, trứng có nhiều lòng đỏ...

          Du khách đến với bản Hiêu những đêm đốt lửa trại, uống rượu cần, cùng giao lưu văn nghệ với điệu xòe Thái, khắp Thái với các thiếu nữ  xinh đẹp trong trang phục dân tộc, tiếng nhạc cụ truyền thống làm mê đắm lòng du khách. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm đời sống lao động sản xuất hàng ngày của đồng bào nơi đây.

         

<

Tin mới nhất

Điểm du lịch bản Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước(23/09/2019 5:20 CH)

Điểm du lịch bản Kho Mường, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước(23/09/2019 9:01 SA)

Điểm du lịch Bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước(09/09/2019 5:26 CH)

Các khu, điểm du lịch được cấp tỉnh công nhận trên địa bàn huyện Bá Thước(09/09/2019 4:42 CH)

8 tháng đầu năm Bá Thước đón hơn 31.500 lượt khách du lịch(06/09/2019 3:39 CH)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
172 người đã bình chọn
°
1895 người đang online