Điều kiện tự nhiên huyện Bá Thước

Đăng ngày 28 - 10 - 2019
100%

I. ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN 1. Điều kiện tự nhiên 1.1. Vị trí địa lý Bá Thước là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, trung tâm huyện lỵ cách thành phố Thanh Hóa khoảng 120 km về phía Bắc Tây bắc, có diện tích tự nhiên 7.522,02 ha, gồm 22 xã và 01 thị trấn. Huyện có tọa độ địa lý từ 20010’ - 20024’ vĩ độ Bắc và từ 105003’ - 105028’ kinh độ Đông. - Phía Bắc giáp tỉnh Hòa Bình; - Phía Nam giáp huyện Lang Chánh và Ngọc Lặc; - Phía Đông giáp huyện Cẩm Thủy và huyện Thạch Thành; - Phía Tây giáp huyện Quan Hóa và huyện Quan Sơn.

 1.2. Địa hình địa mạo 

Là huyện miền núi cao, nên địa hình của huyện rất đa dạng và phức tạp với 3/4 diện tích là đồi núi và bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối:  - Địa hình vùng núi cao: Gồm 6 xã: Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng, Lũng Niêm và Lũng Cao, với tổng diện tích tự nhiên là 25.066 ha. Độ cao trung bình từ 500 - 1.000 m so với mặt nước biển. Vùng núi cao chiếm gần 50% diện tích toàn huyện, trong đó độ dốc >250 chiếm khoảng 70% diện tích toàn vùng.  - Vùng đồi và núi thấp: Gồm 7 xã: Tân Lập (5,6%), Lương Trung (18,9%), Lương Nội (24,5%), Lương Ngoại (12,7%), Thiết Kế (11,8), Kỳ Tân(12,6%) và Văn Nho (13,9%). Tổng diện tích tự nhiên toàn vùng là 11.953 ha. Độ cao trung bình từ 150 - 200 m so với mặt nước biển.  - Vùng gò đồi xen lẫn các cánh đồng và thung lũng: Gồm 9 xã, 1 thị trấn: Thiết Ống, Lâm Xa, Ái Thượng, Hạ Trung, Điền Quang, Điền Lư, Điền Trung, Điền Hạ, Điền Thượng và thị trấn Cành Nàng. Độ cao trung bình từ 80 - 100 m so với mặt nước biển, địa hình thấp dần về phía Đông. Đây là vùng trọng điểm lúa màu và cây công nghiệp của huyện. 

1.3. Khí hậu 

Huyện Bá Thước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, trong năm có hai mùa rõ rệt:  - Mùa mưa: Từ tháng 4 đến tháng 10 trong năm.  - Mùa khô: Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.  Theo tài liệu của Trạm Khí tượng - Thủy văn, đặc điểm khí hậu của huyện như sau:  - Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 24 - 250C, nhiệt độ tối cao là 380C, nhiệt độ tối thấp từ - 3 đến - 50C.  - Lượng mưa trung bình hàng năm từ 2.300 - 2.500 mm, nhưng phân bố không đều trong năm, tập trung chủ yếu vào tháng 7, tháng 8 và tháng 9, chiếm 70% lượng mưa của cả năm.  - Độ ẩm không khí trung bình 85%, cao nhất là 91% và thấp nhất là 75%.  - Lượng bốc hơi trung bình năm là 617 mm, tháng có lượng bốc hơi lớn nhất là tháng 5 (105,5 mm), tháng có lượng bốc hơi thấp nhất là tháng 2 (69,3 mm).  - Số giờ nắng bình quân hàng năm khoảng từ 1.445 - 1.700 giờ. Tổng tích ôn cả năm là 7.5380C.  Các hiện tượng thời tiết cực đoan là gió Phơn Tây nam (hoạt động mạnh vào tháng 4, tháng 5 và đầu tháng 6); lốc cục bộ đôi khi kèm theo mưa đá thường xuất hiện vào tháng 4 và tháng 5.  Với đặc điểm khí hậu như trên có nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp như: Khí hậu tương đối ôn hòa, độ ẩm khá, phân bố tương đối đều trong năm nhưng mùa mưa lại tập trung vào quý III trong năm, nên thường rễ gây rửa trôi, xói mòn đất và lũ quét đối với những vùng có độ dốc cao.

1.4. Thủy văn

 Chế độ thủy văn của huyện phụ thuộc vào hệ thống sông Mã là chế độ đơn giản, trong năm thủy văn có một mùa lũ và một mùa cạn kế tiếp nhau. Mùa lũ khá dài với thời đoạn lũ tới 5 tháng/ năm, xảy ra các tháng trong năm từ tháng 6 đến tháng 10. Lượng chảy trong mùa lũ chiếm 75% tổng lượng chảy trong năm. Đỉnh lũ trên sông mã diễn ra vào tháng 8, chiếm 21,8% tổng lượng chảy trong năm. Lũ lớn hệ thống sông Mã xảy ra vào các năm 1963,1973,1975,2007.

2. Các nguồn tài nguyên

2.1. Tài nguyên đất

Diện tích tự nhiên của huyện Bá Thước là 77.757,23 ha, trong đó đất đưa vào sử dụng cho mục đích nông nghiệp là 70.318,68 ha, chiếm 90,43% diện tích đất tự nhiên, đất sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp là 6.406,59 ha, chiếm 8,24% diện tích tự nhiên. Đất chưa đưa vào sử dụng là 1.031,96 ha chiếm 1,33% diện tích đất tự nhiên.

Trong đất nông nghiệp của huyện chủ yếu là đất rừng, cụ thể: Đất rừng sản xuất chiếm 47,39% đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ chiếm 18,40% diện tích đất nông nghiệp, đất rừng đặc dụng chiếm 17,03% diện tích đất nông nghiệp.

Đất sản xuất nông nghiệp có diện tích ít, cụ thể: Đất trồng lúa 4.972,08 ha chiếm 7,07% diện tích đất nông nghiệp; đất trồng cây hàng năm khác diện tích 5.334,27 ha, chiếm 7,59% diện tích đất nông nghiệp.

* Nhóm đất phù sa (Fluvisols): Có diện tích 3.505,07 ha, chiếm 5,89% tổng diện tích điều tra toàn huyện, phân bố rải rác dọc các hệ thống sông, suối chính. Phần lớn được sử dụng để sản xuất nông nghiệp. 

- Đất phù sa trung tính ít chua:

1/ Đất phù sa trung tính ít chua điển hình: Có diện tích 382,27 ha.

- Đất phù sa chua:

2/ Đất phù sa chua glây nông: Có diện tích 3.122,80 ha.

* Nhóm đất xám (Acrisols): Có diện tích 50.880,32 ha, chiếm 85,44% tổng diện tích điều tra toàn huyện, phân bố chủ yếu ở các xã vùng cao, có hàm lượng chất dinh dưỡng khá, hầu hết còn rừng điều tra che phủ. Loại đất này hiện chủ yếu được dùng vào mục đích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, một ít diện tích được sử dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó chủ yếu là ruộng bậc thang trồng lúa nước.

- Đất xám feralit:

3/ Đất xám feralit điển hình: Có diện tích 1.746,12 ha.

4/ Đất xám feralit glây nông: Có diện tích 5.310,44 ha.

5/ Đất xám feralit đá nông: Có diện tích 10.206,73 ha.

6/ Đất xám feralit đá sâu: Có diện tích 31.306,46 ha.

- Đất xám giàu mùn:

7/ Đất xám giàu mùn điển hình: Có diện tích 837,18 ha.

8/ Đất xám giàu mùn đá sâu: Có diện tích 14.743,39 ha.

* Đất xói mòn mạnh trơ sỏi đá (leptosols): Có diện tích 5.168,89 ha, chiếm 8,67% tổng diện tích điều tra toàn huyện. Chủ yếu là đất rừng hoặc đất chưa sử dụng. Do đó, cần phải có giải pháp phù hợp, cụ thể để phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng cả 2 hình thức: Khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng mới rừng.

- Đất xói mòn mạnh trơ sỏi đá:

9/ Đất xói mòn mạnh chua điển hình: Có diện tích 5.168,89 ha.

(Nguồn: Theo Quyết định số 756/QĐ-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa)

2.1.2.2. Tài nguyên nước

- Nguồn nước mặt

Sông Mã chảy qua huyện dài gần 40 km, nước chảy quanh năm với lưu lượng khá lớn. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều các suối lớn, nhỏ cùng với hệ thống ao hồ và các đập giữ nước nằm rải rác trên địa bàn toàn huyện, đã cung cấp một lượng nước khá lớn đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

- Nguồn nước ngầm

Hiện tại chưa có điều kiện điều tra kỹ để đánh giá về trữ lượng nước ngầm, nhưng qua khảo sát sơ bộ các giếng nước tại một số vùng trong huyện cho thấy mực nước ngầm nằm ở độ sâu khoảng 20 - 30 m, chất lượng nước khá tốt, có thể khai thác dùng cho sinh hoạt của các khu dân cư trong huyện.

Nhìn chung nguồn nước trong huyện có trữ lượng khá và chất lượng tương đối tốt, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên do đặc điểm địa hình bị chi cắt mạnh, lượng mưa trong năm phân bố không đồng đều nên trong sản xuất nông nghiệp còn gặp phải một số khó khăn. Trong tương lai cần phải khảo sát kỹ về trữ lượng nước, có kế hoạch khai thác hợp lý, kết hợp với việc khai thác bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn để khắc phục tình trạng thiếu nước trong mùa khô hạn.

2.2. Tài nguyên rừng

Theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2010, huyện Bá Thước có diện tích đất lâm nghiệp là 50.545,33 ha, chiếm 65,20% tổng diện tích tự nhiên, trong đó:

- Diện tích đất rừng sản xuất là 33327,38 ha, chiếm 42,86% tổng diện tích tự nhiên.

- Diện tích đất rừng phòng hộ là 12936,97  ha, chiếm 16,64% tổng diện tích tự nhiên.

- Diện tích đất rừng đặc dụng là 11976,44  ha, chiếm 15,40% tổng diện tích tự nhiên.

Độ che phủ của rừng năm 2015 là 59,9%. Tuy độ che phủ của rừng đạt khá, nhưng rừng của Bá Thước hiện tại khá nghèo về trữ lượng, chủng loại, khả năng khai thác trữ lượng chưa cao. Rừng Bá Thước trước đây có các loại gỗ quý như: Mun đen, chò chỉ, sến, táu, lát hoa, lát chun… cùng các loại động vật quý hiếm như: Bò tót, voọc quần đùi trắng, sơn dương, gấu, hổ, lợn rừng, hoẵng… cùng nhiều loại gặm nhấm và chim thú khác, nhưng gần đây chúng đang bị nghèo kiệt dần.

Nhìn chung rừng của Bá Thước hiện nay đang được phát triển tốt, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giữ nước đầu nguồn, cải thiện cảnh quan đồi núi. Do diện tích rừng ngày càng được khôi phục, đã tạo điều kiện cho các thảm thực vật trước đây có nguy cơ mất trắng, giờ phát triển trở lại, làm đa dạng cho sự phát triển của tự nhiên. Đặc biệt hiện nay rừng và đất rừng của Bá Thước đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nông lâm kết hợp, tạo thêm công ăn việc làm cho hàng trăm lao động và làm cho sản phẩm xã hội ngày càng thêm phong phú.

2.3. Tài nguyên khoáng sản

Trên địa bàn huyện Bá Thước có một số loại khoáng sản như:

- Quặng sắt: Phân bổ tại các xã Lương Nội, Hạ Trung, Ái Thượng và Lương Ngoại; quy mô diện tích hàng trăm ha, trữ lượng 30 - 35 vạn tấn, hàm lượng tương đối khá (khoảng 40 - 50%) có thể khai thác phục vụ công nghệ luyện thép, làm phụ gia sản xuất xi măng.

- Mỏ vàng: Gồm vàng sa khoáng ở xã Ban Công, Cổ Lũng, Lũng Cao, Điền Lư và xã Lương Ngoại.

- Đá vôi: Phân bố ở hầu hết các xã trên địa bàn.

- Đá hoa ốp lát: Có ở xã Thiết Kế và Điền Lư, có trữ lượng lớn.

- Mỏ cao lanh Kỳ Tân có thể sử dụng để sản xuất sứ cao cấp. Than bùn có ở Văn Nho.

Ngoài ra còn có một số vật liệu chủ yếu đang được khai thác, sử dụng trong nghành xây dựng như: Đá, cát, sỏi xây dựng hoặc một số vật liệu quý, tuy trữ lượng không lớn, nhưng có giá trị cao như: Ăng ti moan, đá đỏ có ở xã Điền Hạ.

2.4. Tài nguyên nhân văn

Theo Niên gián thống kê huyện Bá Thước, dân số toàn huyện tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 có 100.145 người, gồm 3 dân tộc chính là dân tộc Mường chiếm tỷ lệ 47,2%, dân tộc Thái chiếm tỷ lệ 31,9%, dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ 16,8% và một số dân tộc anh em khác cùng chung sống.

Nhìn chung  xu hướng cơ cấu lao động ở các nghành đang dần dần thay đổi. Nghành nông, lâm nghiệp, thủy sản đang có chiều hướng giảm dần, thay vào đó là nghành dịch vụ - thương mại, công nghiệp - xây dựng có xu hướng gia tăng. Không thể không nhắc tới nguồn lao động phi nông nghiệp trên địa bàn, số lượng này chiếm một phần đáng kể.

Tỷ lệ dân số nông nghiệp sinh sống tại các vùng nông thôn miền núi lớn, chủ yếu là người dân tộc, nguồn thu nhập chính là nông nghiệp nhưng bình quân thu nhập đầu người còn rất thấp, tỷ lệ đói nghèo còn cao, khả năng huy động sức dân trong đầu tư phát triển còn kém.

Trình độ dân trí và trình độ chuyên môn, tay nghề của người lao động còn thấp, chưa chuyển phù hợp với những nếp sống, hành động trong thời kỳ đổi mới. Tình hình du canh, du cư trong một số bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang còn tiếp tục, chưa được chấm rứt.

Do có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc trên địa bàn vẫn duy trì và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc cũng như phong tục tập quán riêng của từng dân tộc. Tuy nhiên, các dân tộc vẫn còn những tập quán lạc hậu trong sản xuất và sinh hoạt, tình trạng mê tín, dị đoan vẫn còn tồn tại làm ảnh hưởng đến văn minh trong đời sống nhân dân.

Nghề truyền thống tuy không có nhiều nhưng vẫn giữ được một số nghề như: Nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát của người Mường, người Thái, nhưng chưa phát triển thành hàng hóa mà chủ yếu là tự cung, tự cấp trong các hộ gia đình.

2.5. Tài nguyên du lịch

Từ những định hướng chủ trương, quan điểm lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền tới các mục tiêu phát triển của ngành du lịch Thanh Hóa gắn liền với các điều kiện tự nhiên - xã hội và lợi ích của các nhà đầu tư, quyền lợi của nhân dân và cộng đồng địa phương - có thể phân tích đánh giá về tiềm năng du Lịch của Bá Thước qua các luận điểm như sau:

* Quan điểm, chủ trương phát triển Dịch vụ và Du Lịch của huyện

 “Tập trung đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng các điểm du lịch hiện có trên địa bàn; xây dựng du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông như: bản Kho Mường xã Thành Sơn, bản Đôn xã Thành Lâm, khu Son- Bá- Mười xã Lũng Cao, thác Hiêu xã Cổ Lũng, phát triển du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện Bá Thước II và thác Dần Long xã Lương Ngoại và thác Mơ xã Điền Quang. Khôi phục các loại hình văn bản địa, các sản phẩm đặc trưng, đồng thời quảng bá kêu gọi doanh nghiệp đầu tư du lịch trên địa bàn. Quản lý bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, các di tích đã được xếp hạng cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học để phát triển du lịch. Để Bá Thước trở thành điểm đến du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng của tỉnh, phấn đấu lượng khách hàng năm đạt trên 10.000 lượt người trở lên, trong đó chủ yếu là khách quốc tế.

( Nguồn: Trích báo cáo chính trị Đại Hội Đảng Bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ 2015-2020)

 Trong chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa, Bá Thước được coi là địa bàn tiềm năng nhiều lợi thế đầu tư cho du Lịch sinh thái cộng đồng.

* Tài nguyên Du Lịch phong phú

- Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông: Nằm cách trung tâm huyện 25 km về phía Tây và Tây bắc. Với diện tích 16.982,60 ha thế mạnh là rừng già vùng khí hậu nhiệt đới còn giàu tài nguyên với 598 loài động vật, 1.109 loài thực vật có hệ sinh thái đa dạng sinh học chưa bị ảnh hưởng của tác động từ con người; nhiều hang động phong cảnh đẹp như: Thác Hiếu xã Cổ Lũng, Hang Dơi làng Kho Mường xã Thành Sơn, vùng tiểu khí hậu ôn đới “ Son - Bá - Mười” xã Lũng Cao… ruộng bậc thang, nhà sàn truyền thống còn lưu giữ 95 đến 100%, các móm ăn dân dã của địa phương có thể coi là “Bảo tàng sống” của cộng đồng người Thỏi Pự Lụng.

Khách du lịch đến với Pù Luông theo hình thức du lịch sinh thái Cộng đồng; Du khách nước ngoài chiếm 90 - 95%.

 - Thác Muốn (Thác Mơ) xã Điền Quang: Nằm cách trung tâm huyện 14 km về phía Đông nam, từ quốc lộ 217 vào đến chân thác 04 km, là dòng thác tự nhiên có độ cao trung bình từ 300 - 800 m so với mặt nước biển. Thác có chiều dài khoảng 1,2 km, thác có 3 tầng chính và được chia thành 43 thác lớn nhỏ khác nhau, toàn bộ dòng thác được bao bọc dưới tán rừng già nguyên sinh. Nếu thăm quan thác, du khách có thể đi ngược dòng và được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng và thả hồn trong không gian mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất và người nơi đây...

Thác Muốn được Chủ Tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Quyết định xếp hạng “Di tích - Danh thắng” cấp tỉnh năm 2007. Đây cũng là niềm tự hào của người dân Bá Thước nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung, hiện nay thác đang được chăm sóc, quản lý bảo vệ theo qui định của luật.

Với các điều kiện thuận lợi về giao thông, gần với suối cá Cẩm Lương, Đền thờ Quận Công Hà Công Thái - Lễ hội Mường Khô và nét độc đáo của văn hóa “Mường Trong” cho thấy “Thác Muốn” là điểm đến lý tưởng cho các đợt thăm quan, picnic và tìm hiểu văn hóa cộng đồng.

Tiềm năng khách việt chiếm 70%, khách nước ngoài chiếm 30%.

* Các địa danh lịch sử, văn hóa

 Địa danh khảo cổ: Nằm trong quần thể các hang động dọc sông Mã Bá Thước có nhiều địa chỉ được các nhà khảo cổ học khai quật và có số liệu chứng minh là địa chỉ cư trú của người Việt Cổ như: Mái đá Điều, Mái đá Nước, Hang Anh Rồ làng Khiêng xã Hạ Trung; Hang Làng Tráng I, II, III, IV xã Lâm Xa; Hang làng Cốc xã Thiết Ống; Hang làng Chuông xã Văn Nho.

 Hiện nay “Mái đá Điều” đã được xếp hạng Di tích khảo cổ học năm 2004.

- Địa danh văn hóa:

Mường Ống (Thiết Ống), Mường Ai (Ái Thượng) là nơi phát tích của sử thi “ Đẻ đất đẻ nước” của người Mường (hiện nay vẫn còn dấu tích đồi “Chu” xã Thiết Ống).

 Mường Khoòng là nơi phát tích của trường ca Khăm Panh (dân tộc Thái).

Tại Mường Ai còn có nhiều tích văn hoá Mường cổ xuất hiện như: Lễ hội “Pồn - Pôông” các điệu “xường gốc” của người Mường.

 Tại Mường Khô, Mường Khoong, Mường Ấm là những Mường cổ còn lưu giữ được khá nhiều vốn quí về văn hóa dân gian. Trong đó có Lễ hội Mường Khô và đền thờ Quận Công Hà Công Thái. 

- Địa danh lịch sử: Hang Tống Duy Tân hay còn gọi là hang “Nhân kỷ” xã Thiết Ống là nơi Tống Duy Tân vận động, lãnh đạo phong trào Cần vương chống Pháp.

Đồn và sân Bay xã Cổ Lũng là địa Danh ghi công quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng giải phóng quê hương.

          Địa danh La Hán, Dốc Yên ngựa là đầu mối giao thông quan trọng tiếp viện cho chiến dịch điện Biên Phủ.

          Ba Lẫm xã Điền Lư, úng ải Thiết Ống xã Thiết Ống là Địa danh nghĩa quân Lê Lợi quyết chiến tiêu diệt quân Minh.

          Hiện nay hang “Tống Duy Tân” và “Đồn - Sân Bay”đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

          - Nhân vật lịch sử được tôn thờ:

          Quận Công Hà Công Thái là người có công với triều Nguyễn, được triều đình nhà Nguyễn phong hàm “Quận Công” khi ông qua đời - thời Minh Mệnh đã khắc bia đá.

 Lưu danh ghi công trạng của ông cùng phu nhân, nhân dân trong vùng cùng dòng họ hà đã phong thần và lập đền thờ tại xã Điền Trung huyện Bá Thước.

Tống Duy Tân, Hà Văn Nho, Hà Văn Mao đều là thủ lĩnh của phong trào cần vương có tinh thần yêu nước được nhân dân tôn thờ và lưu danh muôn đời. Hang Tống Duy Tân tại xã Thiết Ống đã được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh;

Hà Văn Nho là thủ lĩnh phong trào cần vương bị giặc bắt và sử chém tại quê, sau khi ông chết nhân dân đã lập bàn thờ ghi danh khí tiết anh dũng tinh thần bất khuất của ông. Ngày nay Hà Văn Nho được con cháu hậu duệ, nhân dân lưu truyền bằng tên gọi của một đơn vị hành chính nơi ông sinh ra “Xã Văn Nho - huyện Bá Thước” và cũng như bù đắp cho quê hương năm 2009 suối cá thần tại Văn Nho xuất hiện.

Hà Văn Mao được chính sử ghi nhận lưu danh, nhiều tuyến đường mang tên ông, đặc biệt ngôi trường PTTH Bá Thước II tại quê hương ông khi có Quyết định thành lập đã vinh dự được mang tên ông “Trường PTTH Hà Văn Mao” huyện Bá Thước.

* Tài nguyên du lịch sinh cảnh Hồ Thạch Minh, đập thủy điện Bá Thước I - II:

Hồ Thạch Minh, Hồ Đèn xã Điền Hạ huyện Bá Thước được đánh giá là 1 trong 3 hồ nước ngọt có diện tích lớn và cảnh quan đẹp của tỉnh Thanh. Với mặt nước rộng trên 50 ha, quanh năm xanh biếc, bên cạnh là Núi Đèn sừng sững, với hang Dong huyền ảo - lung linh sắc mầu của các nhũ đá, động tiên được bàn tay khéo léo tạo hóa dày công nhào nặn. Vẻ đẹp quyến rũ cùng với không khí trong lành mát mẻ từ mặt nước hồ hắt lên -  dễ đưa du khách bồng bềnh  lướt nhẹ mái chèo xuôi vào ốc đảo.

Hồ Thạch Minh, Hồ Đèn xã Điền Hạ cùng với 2 công trình thủy điện Bá Thước I và II trên dòng sông Mã mến yêu, mở ra cho huyện nhà một hình thái du lịch độc đáo- “Du lịch sinh cảnh Hồ - Đập” và đây cũng sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách, các nhà đầu tư trong tương lai gần.

Với vị trí chiến lược, tài nguyên du lịch phong phú, mạng lưới giao thông phát triển, tình hình an ninh - chính trị luôn ổn định đã mở ra cho Bá Thước một tiềm năng lớn trong định hướng phát triển du lịch.

3. Thực trạng môi trường

Bá Thước là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Thanh Hóa, với địa hình phức tạp, kinh tế chưa phát triển, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vì  vậy, môi trường sinh thái nói chung còn tương đối trong lành, thảm thực vật, động vật hoang dã,... có chiều hướng phát triển, cảnh quan thiên nhiên được cải thiện rõ rệt. Song bên cạnh đó việc giữ gìn vệ sinh môi trường chưa được chú trọng, chưa có biện pháp thu gom, xử lý vệ sinh môi trường theo quy định, cụ thể:

- Rác thải bệnh viện: Ô nhiễm môi trường tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn huyện đang rất cần được sự quan tâm của các cấp, các nghành, đặc biệt là công tác xử lý rác thải và nước thải y tế.

Hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh tại các xã đều chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải khi thải ra môi trường bên ngoài. Việc thu gom và xử lý nước thải, rác thải chưa hợp lý nên các chất hữu cơ, hoá chất của các dược phẩm, kim loại nặng, vi khuẩn gây bệnh... là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước tại các khu vực xung quanh, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt và đời sống của nhân dân. Nước thải bệnh viện cùng với các các chất thải y tế nói chung được xếp vào chất thải nguy hại.

- Nước thải, rác thải sinh hoạt: Là nguyên nhân gây ra suy giảm chất lượng nước mặt và nước ngầm. Nước thải, rác thải của các khu dân cư, đặc biệt là chất thải từ bệnh viện, cơ sở y tế chứa hàm lượng lớn các chất hữu cơ, cặn vô cơ và vô số các vi khuẩn gây bệnh theo mương, suối thải ra rồi ngấm xuống đất làm biến đổi chất lượng nước ngầm.

Ngoài một lượng rác thải đã được thu gom đúng nơi quy định (chủ yếu tập trung ở khu vực thị trấn Cành Nàng) thì phần lớn rác thải còn lại người dân tùy tiện đổ trong khu vực đất vườn, một số thải ra bờ sông, suối, đường giao thông, đồng ruộng... chưa đảm bảo về môi trường.

- Canh tác nông nghiệp: Trong quá trình sản xuất, người dân sử dụng phân hóa học, phân hữu cơ và các loại hóa chất BVTV để tăng năng suất và bảo vệ cây trồng. Việc sử dụng và quản lý thuốc BVTV, phân bón hóa học phục vụ sản xuất nông nghiệp không đúng quy trình, tình trạng lạm dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV vẫn còn diễn ra phổ biến, là nguy cơ làm biến đổi chất lượng nước ngầm và môi trường xung quanh.

- Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Các cơ sở còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa được đầu tư, phương tiện sản xuất còn lạc hậu, chất thải không được sử lý triệt để khi thải ra môi trường đã gây ảnh hưởng đến chất lượng nước, không khí... và sức khỏe của nhân dân trong vùng.

- Nghĩa trang, nghĩa địa: Một thực tế là từ trước đến nay người dân ở đây khi an táng đã không tập trung về nghĩa địa chung, mà an táng theo từng vùng dân cư của các thôn, bản. Nhiều nghĩa địa nằm sát khu dân cư, gây ô nhiễm đến nguồn nước, môi trường không khí, cảnh quan môi trường và sức khỏe người dân trong khu vực.

Từ những vấn đề nêu trên cho ta thấy cùng với việc tăng cường khai thác các nguồn lợi một cách tối đa nhằm phát triển kinh tế - xã hội thì việc đầu tư tái tạo, bảo vệ canh quan môi trường tương xứng với mức độ đầu tư khai thác và yêu cầu đảm bảo cho phát triển bền vững là điều hết sức có ý nghĩa.

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Điều kiện tự nhiên huyện Bá Thước(28/10/2019 4:53 CH)

    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    172 người đã bình chọn
    °
    1879 người đang online