Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội huyện Bá Thước

Đăng ngày 26 - 11 - 2017
100%

Bá Thước là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Thanh Hóa, cách thủ đô Hà Nội khoảng 210km về phía Tây Nam, TP Thanh Hóa 110km về phía Tây Bắc, có ranh giới phía Đông giáp các huyện: Thạch Thành (ở góc phía Đông Bắc) và Cẩm Thủy (mặt phía Đông), phía Nam giáp các huyện: Ngọc Lặc (góc Nam Đông Nam) và Lang Chánh (mặt phía Tây Nam), phía Tây giáp các huyện: Quan Sơn (góc phía Tây) và Quan Hóa (mặt Tây Bắc). Riêng mặt phía Bắc, Bá Thước giáp với các huyện của tỉnh Hòa Bình gồm: Mai Châu (góc phía Tây Bắc), Tân Lạc và Lạc Sơn (mặt phía Bắc Đông Bắc). Diện tích tự nhiên của huyện Bá Thước là 77.522 ha, trong đó đất nông nghiệp là 7.340ha, đất lâm nghiệp là 50.545ha, đất chưa khai thác là 18.637ha.

  1. Địa hình, địa mạo

Địa hình Các-xtơ phức tạp với 3/4 là đồi núi và bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối, hơn 35 hang động, nhiều thung lũng hẹp, độ dốc lớn, phần lớn diện tích là rừng núi, gắn liền với hệ núi cao phía Tây Bắc và hệ núi Trường Sơn phía Nam, Bá Thước có độ cao trung bình vùng núi từ 600-700 m, độ dốc trên 25 độ. Ở đây có những đỉnh núi cao như đỉnh núi Pù Luông (1.700 m).  

  1. Khí hậu, thủy văn

- Khí hậu:               

Khí hậu huyện Bá Thước bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi khí hậu nhiệt đới gió mùa giữa núi cao phía Đông Bắc và Tây Bắc, mỗi năm có hai mùa rõ rệt. Mùa mưa, nóng, dịu mát, mưa từ (tháng 4-10) mùa, khô, lạnh, ít mưa kéo dài từ (tháng 11 năm ngoái đến tháng 3 năm tiếp theo), đây là khí hậu đặc trưng của miền Bắc Việt Nam. Nhiệt độ trung bình hàng năm 24°C- 25°C, nhiệt độ cao nhất vào tháng Bảy (27.7°C) còn khi nhiệt độ bất thường lên đến 41oC. Nền nhiệt độ nói chung thấp, mùa đông khá rét, nhiệt độ thấp nhất có thể dưới (-3)°C đến (-5)°C, sương muối nhiều và một số nơi có sương giá với tần suất 1 ngày/1 năm. Khi có sương giá, sương muối làm cho một số cây ăn quả có thể bị chết hàng loạt. Vào mùa hè, lũ có thể xuất hiện vào thời gian tháng 7 - 9. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, đặc biệt là cảm giác lạnh hơn bình thường trong điều kiện nhiệt độ như nhau. Hơn thế nữa yếu tố khí hậu này cũng ảnh hưởng đến việc bảo quản các vật dụng trong các cơ sở lưu trú.

Lượng mưa trung bình năm từ 2300-2500mm, nhưng phân bố không đều trong năm, chủ yếu tập trung vào từ tháng 7-9, chiếm 70% lượng mưa trong cả năm, chính vì vậy thường dễ gây xói mòn đất, lũ quét đối với những vùng có độ dốc cao.

Độ ẩm không lớn lắm, trung bình 86% (trừ khu vực cao trên 800m mới có độ ẩm lớn và mây mù nhiều), cao nhất là 91%, thấp nhất là 75%.

Lượng bốc hơi trung bình năm là 617mm, tháng có lượng bốc hơi thấp nhất là tháng 2 (69,3mm), tháng cao nhất là tháng 5 (105,5mm)

Có 2 loại gió chính là gió mùa Đông Nam và gió mùa Đông Bắc, ngoài ra còn có gió Lào cũng xuất hiện, tốc độ trung bình từ 1,3 - 2m/s.

Số giờ nắng bình quân hàng năm khoảng từ 1445-1700 giờ.

Với đặc điểm khí hậu tương đối ôn  hòa, độ ẩm khá, phân bố tương đối đều trong năm. Đây được xem là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng núi, đặc biệt vào mùa hè nóng bức ở khu vực phía Bắc. Yếu tố này được rất nhiều doanh nghiệp đã và đang khai thác phát triển du lịch hiệu quả trên địa bàn huyện.

- Thủy văn:

Cũng do đặc điểm địa hình núi cao và dốc nên các hệ thống thuỷ văn ít phân bố trên toàn huyện. Bá Thước hiện có Sông Mã chảy qua: Đây là hệ thống sông lớn nhất tỉnh. Dòng chính dài 528km, bắt nguồn từ độ cao 800 - 1.000m ở vùng Điện Biên Phủ, sau đó chảy qua Lào (118km) và vào Thanh Hoá ở phía Bắc làng Sóp Sim (Mường Lát). Chiều dài sông Mã ở địa phận Việt Nam là 410km, tỉnh Thanh Hoá 242km và riêng huyện Bá Thước là khoảng 40km.

Tất cả các dòng suối, thác nước và hồ chảy từ khu vực đỉnh núi xuống chung quanh và đều chảy vào sông Mã, suối thường có dòng chảy và nước chảy vào mùa hè, mùa đông nước rất nông như thác Hiêu xã Cổ Lũng, suối Hua Mường (làng Kho Mường, xã Thành Sơn), suối Ngài (xã Thành Lâm), suối Pưng (chảy từ làng Bả Pả Ban qua làng Eo Kén đến làng Hang xã Phú Lệ huyện Quan Hóa và đổ ra sông Mã), suối Chàm (hay suối Nủa xã Lũng Cao, bắt đầu từ làng Nủa chảy dọc qua các làng Bố, Hin, Trình, Phố Đòn, Tôm, địa phận xã Ban Công và chảy ra sông Mã), suối Báng (chảy qua làng Bồng, Quăn, Ươi, Lặn và Phố Đòn), thác Dần Long xã Lương Ngoại và thác Muốn xã Điền Quang, hang cá thần Mường Ký tại làng Chiềng Ban, xã Văn Nho, hồ Duồng Cốc (hay còn gọi là hồ Thạch Minh) xã Điền Hạ, lòng hô thủy điện Bá Thước II... Đây là những yếu tố thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái cộng đồng.

2. Điều kiện kinh tế - xã hội

  1. Tình hình dân số, dân cư và các dân tộc sinh sống trên địa bàn

Bá Thước là huyện miền núi cao của tỉnh Thanh Hóa, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh Thanh Hóa và vùng Tây Bắc của cả nước. Trên địa bàn có quốc lộ 217 chạy qua dài 43km, Quốc lộ 15A qua địa phận Bá Thước dài 18km, là hai trục giao thông quan trọng nối liền với các huyện miền núi Thanh Hóa với huyện đồng bằng, các trung tâm phát triển lớn của tỉnh như: Trung tâm Đô thị Miền Tây (Ngọc Lạc), Thành phố Thanh Hóa… và các tỉnh, thành phố trong cả nước, với nước bạn Lào, là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác và phát triển kinh tế.

Theo thống kê tính đến cuối năm 2016, toàn huyện có khoảng 26.459 hộ; đô thị 2.600 hộ; nông thôn 23.859 hộ; số khẩu: 108.060 người. Dân tộc: Mường chiếm 57,2 %; Thái chiếm 31,9 %; Kinh chiếm 16,8 %. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm là 10,15%.

  1. Tình hình phát triển kinh tế

Hiện nay, huyện Bá Thước chia thành 5 cụm kinh tế gồm: cụm Văn Thiết gồm 4 xã (trung tâm là Mường Ống), cụm Long Vân gồm 5 xã (trung tâm là Mường Ai, thị trấn Cành Nàng), cụm Hồ Điền gồm 6 xã (trung tâm là Mường Khô Điền Lư, Điền Trung), cụm Qúy Lương gồm 3 xã (trung tâm là Lương Trung-Mường Khoòng), và cụm Quốc Thành gồm 6 xã (tên gọi xưa kia là Mường Không). Toàn huyện được chia thành 23 đơn vị hành chính, trong đó có 22 xã và 1 thị trấn Cành Nàng (tiếng Mường).

Người dân ở huyện Bá Thước hiện nay sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, trồng rừng và khai thác lâm sản, trong đó nông nghiệp chiếm tỷ trọng tới 70% với việc trồng các loại cây lúa nước, lúa nương, sắn, ngô, khoai.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 12,9%, so với thời kỳ 2007 - 2011 cao hơn 1,2%; năm 2016, tổng GRDP đạt 480,8 tỷ (GCĐ 94) cao gấp 1,83 lần năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 14.2 triệu đồng, năm 2016 đạt 16,5 triệu đồng, tăng 16,2% so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp và thủy sản; cụ thể từ năm 2011 đến năm 2016, tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm từ 57,5% giảm xuống 48,43%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm từ 15,5% tăng lên 17,66%; khu vực dịch vụ từ 26,9% tăng lên 33,91%.

Bảng 1: Thu nhập bình quân đầu người của huyện Bá Thước                         giai đoạn 2011 – 2016

Năm

Thu nhập bình quân (triệu đồng/người)

Tăng so với năm trước (%)

2011

9

5.88

2012

10.5

16.67

2013

11.5

9.52

2014

12.8

11.30

2015

14.2

10.94

2106

16.5

16.2

Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh huyện Bá Thước từ 2011-2016

Trong giai đoạn 2011 - 2016, các ngành dịch vụ phát triển nhanh cả về quy mô và loại hình dịch vụ, chất lượng ngày càng nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 18,8%. Du lịch được quy hoạch và hình thành các điểm du lịch sinh thái cộng đồng như: Son - Bá - Mười xã Lũng Cao; Thác Hiêu xã Cổ Lũng; Kho Mường xã Thành Sơn; Làng Đôn xã Thành Lâm; Thác Muốn xã Điền Quang; Hang Cá xã Văn Nho, hàng năm đón trên 5.000 lượt khách, trong đó chủ yếu là khách quốc tế, tạo thêm sinh kế cho cộng đồng địa phương.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn năm 2011-2016 đạt 5.300 tỷ đồng, trong đó vốn do địa phương quản lý 2.300 tỷ đồng, với tốc độ huy động vốn tăng 46%, từ 387,4 tỷ đồng năm 2011 tăng lên 503 tỷ đồng năm 2015; năm 2016 tổng vốn đầu tư toàn huyện đạt 1.010 tỷ đồng.

Các chương trình, dự án giảm nghèo, nhất là Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Bên cạnh đó các doanh nghiệp (DN) phát triển đa dạng và tăng nhanh, tạo được nhiều việc làm cho người lao động, hiện nay trên địa bàn huyện có 66 DN. Xuất khẩu lao động hàng năm đạt từ 40 đến 50 người, đưa lao động vào doanh nghiệp các tỉnh phía nam trên 1.000 lao động. Hàng năm, giải quyết việc làm mới cho 2.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo 40%; bảo hiểm xã hội được mở rộng cho các đối tượng, qua đó đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm khá, bình quân mỗi năm giảm được 6,6%, hộ nghèo năm 2011 là 50,16%, đến năm 2016 giảm xuống còn 18,26%, là huyện có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất trong 7 huyện nghèo của tỉnh song thiếu bền vững và tỷ lệ tái nghèo vẫn còn cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung, trong đó có du lịch.

  1. Giáo dục và đào tạo

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở huyện Bá Thước trong những năm qua, có nhiều chuyển biến tích cực về số lượng, chất lượng, toàn huyện 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được bổ sung hàng năm; tỷ lệ trường học kiên cố đạt 86%. Tập trung thực hiện các đề án phát triển giáo dục. Duy trì phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Chất lượng giáo dục đại trà đạt cao và duy trì tốt, chất lượng giáo dục mũi nhọn đang từng bước được nâng lên. Bên cạnh đó, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm. Đến cuối năm 2015 toàn huyện đã có 24/84 trường đạt chuẩn quốc gia.

  1. Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Mạng lưới y tế cấp huyện trên địa bàn huyện Bá Thước thường xuyên được củng cố và tăng c­ường về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; các chương trình mục tiêu đều được triển khai có hiệu quả, góp phần tích cực phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm. Cơ sở vật chất tại Bệnh viện huyện, các trạm Y tế xã, trung tâm Y tế huyện được đầu tư. Công tác xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế có nhiều cố gắng, năm 2016 có 6 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020, chiếm 34,8%. Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng dân số từng bước được nâng cao.

  1. Văn hóa, thông tin

Hoạt động Thông tin, truyền thanh - truyền hình được duy trì và phát triển, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương, tập trung đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao. Thực hiện xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà làng sắc dân tộc; bảo tồn, phát triển các di tích; phục hồi, phát triển các trò chơi, trò diễn dân gian. Đến nay toàn huyện đã khai trương được 225/225 làng, phố văn hóa, 65/103 đơn vị, cơ quan văn hóa; tổng số đơn vị được công nhận văn hóa 185 đơn vị; 102 Làng, phố có nhà văn hóa; tỉ lệ hộ gia đình đạt tiêu chí văn hóa là 66,67%.

  1. Các công trình văn hóa

- Đến nay trên địa bàn huyện Bá Thước có 133 nhà văn hóa và nhà sinh hoạt cộng đồng thôn (làng) nhưng chưa đạt chuẩn về diện tích theo quy định là 25 nhà

- Đến nay huyện Bá Thước có 225 sân vận động

- Có 98 % số hộ dân có phương tiện nghe nhìn.

- Toàn huyện Bá Thước có 07 chợ, trong đó 06 chợ vùng nông thôn; có 01 chợ đạt chuẩn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

- Trên địa bàn có 04 bưu cục và 21 điểm bưu điện văn hóa xã. Số thuê bao điện thoại cố định trung bình đạt bình quân 10 thuê bao/100 dân.

- Về phát thanh truyền hình, đến nay có 03 trạm truyền thanh huyên, 04 trạm truyền hình huyện và có 23 Đài Truyền thanh xã, thị trấn; trung tâm các xã được phủ sóng phát thanh truyền hình 100 %, cụm loa FM Tỷ lệ phủ sóng truyền thanh đạt khoảng 98 %, truyền hình đạt 95 %.

  1. An ninh chính trị

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, có nhiều tiến bộ. Huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, thực hiện phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự. Thực hiện tốt công tác nắm tình hình người ở nước ngoài về thăm người thân và đến tham quan du lịch, làm việc trên địa bàn. An ninh tôn giáo, an ninh nông Làng, an ninh văn hóa tư tưởng ổn định, không có vấn đề lớn nổi cộm. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được thực hiện thường xuyên.

Như vậy có thể thấy điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Bá Thước hiện còn hạn chế, cần có sự đầu tư thỏa đáng về hạ tầng xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông, hệ thống giao dịch ngân hàng, hệ thống viễn thông, cung cấp điện nước, thu gom và xử lý chất thải để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Bên cạnh đó cũng cần phải có đầu tư cho công tác quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng chất lượng và khác biệt, đào tạo kỹ năng nghề du lịch để người dân có thể chuyển đổi sinh kế, tham gia tích cực vào hoạt động dịch vụ du lịch.

2.8. Vệ sinh môi trường

Trong giai đoạn 2011 - 2016, trên địa bàn huyện Bá Thước không có điểm nóng, không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường và chính quyền các cấp đã ngăn chặn có hiệu quả việc khai thác vàng sa khoáng trên địa bàn huyện. Một số kết quả về môi trường đáng khích lệ như: tỷ lệ dân số được dùng nước hợp vệ sinh năm 2016 là 78,5%; tỷ lệ xã tiến hành thu gom rác thải đạt 43,48%; tổng diện tích trồng rừng tập trung đạt 2.090ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 61,4%. Tuy vậy đến nay trên địa bàn huyện Bá Thước, việc ứng dụng khoa học công nghệ sạch vào các ngành chế biến nông sản, khai thác tài nguyên chưa được chú trọng; công tác xử lý rác thải, nước thải từ hoạt động kinh tế và từ sinh hoạt của người dân còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và công nghệ.

 

<

Tin mới nhất

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
176 người đã bình chọn
°
722 người đang online