Thác Mơ - thác của tình yêu đôi lứa

Đăng ngày 24 - 06 - 2011
100%

DailyInfo- Không gian thơ mộng lẫn trong tiếng róc rách của nước chảy suốt ngày đêm, đâu đó vọng lại tiếng chim rừng gọi bạn… làm cho du khách thấy sảng khoái, xua tan nỗi mệt nhọc khi đến với Thác Mơ



Theo quốc lộ 45, qua thăm thành Tây Đô rồi hoà vào quốc lộ 217 ngược lên miền thượng du Bá Thước, cách thành phố Thanh Hóa chừng 100km, du khách sẽ được đắm mình vào thiên nhiên với những dòng thác hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng của Thác Mơ.

Thác Mơ thuộc xã Điền Quang, huyện Bá Thước (Thanh Hoá) được người dân bản địa gọi là Thác Muốn. “Muốn” là từ Việt - Mường được người dân nơi đây lý giải tên gọi ấy bằng một truyền thuyết vô cùng thú vị.

“Xưa kia, vùng đất này thuộc Mường Khô - một mường lớn nằm sát cạnh mường Ống (hoặc mường Úng) và mường Ai là một trong các mường rất cổ ở huyện miền núi Bá Thước. Ngày ấy có một đôi nam nữ yêu nhau tha thiết, hai bên từng thề non, hẹn biển. Hàng ngày, chàng trai đi rừng săn bắn muông thú, cô gái ở nhà dệt cửi lấy vải thổ cẩm thêu váy áo chờ ngày sánh duyên cùng chàng trai. Tình yêu của họ tưởng sẽ thành hiện thực nhưng gia đình hai bên lại không bằng lòng. Một ngày nọ, chàng trai và cô gái cùng trèo lên đỉnh núi nắm chặt tay nhau, nhìn về phía bản làng và gia đình. Khi ông mặt trời chuẩn bị khuất sau rặng núi, họ chia tay nhau, mỗi người đi một ngả, không ai biết họ đi về đâu”… Từ đó, đỉnh núi ấy được người dân nơi đây gọi tên “đồi Muốn” để tưởng nhớ đôi nam nữ của bản mình rất muốn nên duyên vợ chồng. Sau này nhiều du khách đến đây du ngoạn đã đặt tên mới cho Thác Muốn thành Thác Mơ.

Du khách có thể trèo lên 43 tầng thác mà không cần phải bỏ dép bởi loại đá ở đây là đá cát mòn nhẵn nhưng không hề trơn
Dòng suối Mơ bắt nguồn từ đỉnh núi Muốn có độ cao hơn ba trăm mét. Ở đỉnh núi ấy có một thung lũng rộng vài hécta, xung quanh đều có núi đá bao bọc. Nước từ trong các khe núi đá chảy vào lòng thung rồi từ đó đổ xuống sườn núi tạo thành nhiều tầng thác liên hoàn kế tiếp nhau như hình bậc thang. Trườn qua 43 tầng thác lớn, nhỏ, cao, thấp khác nhau với chỉ toàn đá, nước và cây rừng trùm kín, dòng suối đổ ra sông Đại Lạn nhập vào sông Mã hùng vĩ. Điều đặc biệt thú vị khi du khách đến với Thác Mơ là có thể trèo lên 43 tầng thác mà không cần phải bỏ dép bởi loại đá ở đây là đá cát (giống như đá mài), mòn nhẵn nhưng không hề trơn.

Đánh thức tiềm năng du lịch

Sau gần hai giờ leo thác, du khách đã lên đến tầng thác cuối cùng trên đỉnh núi Muốn. Ở mỗi tầng thác, cảnh trí và âm thanh của tiếng nước đổ xuống lại khác nhau. Có chỗ thì thác đổ rào rào, nơi lại khẽ khàng và róc rách nghe như tiếng suối chảy… Những thanh âm trầm bổng, ầm ào, róc rách ấy tạo thành âm hưởng như những bản nhạc tự nhiên, kỳ diệu khiến cho con người sảng khoái, quên đi nỗi mệt nhọc khi vượt thác. Có thác nước tràn qua mềm mại, nơi lại cao vút, nước đổ xuống cuồn cuộn tung bọt trắng xóa. Triệu triệu hạt nước nhỏ li ti như những hạt sương ban mai bay lên cao, hòa quện vào nhau như dải lụa trắng rồi lan tỏa ra cả một vùng rộng lớn dưới tán cây rừng… Không khí thoáng đãng xen lẫn mùi hương nồng nàn của các loài hoa rừng tạo nên vẻ thơ mộng và kỳ thú. Phong cảnh sơn thủy hữu tình của thác Mơ thật tuyệt vời cho đôi lứa yêu nhau, những cuộc du ngoạn hay picnic của du khách muôn phương.
Phong cảnh sơn thủy hữu tình của thác Mơ thật tuyệt vời cho đôi lứa yêu nhau, những cuộc du ngoạn hay picnic của du khách muôn phương
Có thể nói, quần thể du lịch sinh thái Thác Mơ là điểm đến lý tưởng trong tour khám phá miền Thượng du của Thanh Hoá. Xen lẫn với hơn 40 thác lớn nhỏ là hệ thống hang động rất đẹp toạ lạc xung quanh. Thung lũng nước chòm Muốn gồm 3 hang động là Hang Mộng, Hang Bụt và Hang Bến Bai. Trong hang có nhiều nhũ đá rủ xuống thành những hình thù kỳ diệu. Nước trong hang không bao giờ cạn, chỗ sâu tới 2 mét, nơi nông đến đầu gối người. Ở đây có rất nhiều cá, tôm và cua đá. Xung quanh đỉnh núi Muốn hiện nay còn rất nhiều loại gỗ quý đặc dụng như cây gỗ Mài Lái, gỗ Kiêng, Dổi, Vàng tâm, Lim, Lát… và nhiều loài động vật quý hiếm như hươu, nai, lợn rừng, sơn dương, khỉ, cầy hương, sóc, nhím, chim muông các loại… Với nguồn tài nguyên vô cùng quý giá được thiên nhiên ban tặng, quần thể Thác Mơ đã được xếp hạng Di tích Danh lam Thắng cảnh năm 2006.
G.T
 

<

Tin mới nhất

Di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn huyện Bá Thước được công nhận cấp tỉnh(03/09/2019 4:48 CH)

Tập huấn kỹ năng nấu ăn và phục vụ khách ăn uống trong kinh doanh lưu trú du lịch tại nhà dân(09/10/2018 10:12 SA)

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông(04/04/2018 9:24 SA)

Di tích khảo cổ Mái Đá Điều, xã Hạ Trung, Bá Thước(23/11/2017 2:20 CH)

Lễ hội Mường Khô,Bá Thước(23/11/2017 2:05 CH)

Danh thắng Thác Muốn thuộc xã Điền Quang (hay còn gọi là thác Mơ), Bá Thước(23/11/2017 1:56 CH)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
176 người đã bình chọn
°
446 người đang online